Hoa Lê Na Hang: Mùa của tình yêu và nỗi nhớ

Mảnh đất Na Hang anh hùng, cách thủ phủ thành Tuyên hơn 100km về phía bắc, nơi có 99 ngọn núi quần tụ với nhau, mỗi ngọn núi có 1 hình dạng khác nhau vươn lên trời rồi hoà quyện vào làn nước xanh dịu mát của dòng sông Gâm thơ mộng, hiền hoà với rất nhiều những truyền thuyết về phong tục tập quán của người đồng bào dân tộc đã khắc họa nên vẻ đẹp đầy huyền bí mà chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự kỳ diệu của tạo hoá.

Tháng 3, mùa của yêu thương và nhung nhớ khi cái rét cuối cùng của mùa đông, rét nàng bân dần kết thúc cũng là lúc những bông hoa lê Hồng Thái, Na Hang bung nở trắng trời giữa núi rừng và biến không gian nơi đây trở nên huyền ảo, bừng sáng sức sống.

6e1bea22c873782d2162-1742463728.jpg

Mùa hoa Lê diệu kỳ trong cái rét nàng bân tháng 3

Xã Hồng Thái là 1 trong 11 xã nằm trên địa bàn huyện Na Hang, Tuyên Quang và cách thủ phủ của huyện gần 50km. Xã Hồng Thái được xem là xã rất đặc biệt khi nằm chênh vênh giữa những núi đá khổng lồ hoà quyện với mây trời nên vị trí luôn ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển đã biến nơi đây thành cao nguyên giữa núi rừng bạt ngàn với khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm.

Đến với nơi đây, không chỉ có núi non hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn trên những sườn đồi mà còn là mùa hoa Lê với vẻ đẹp dịu mát tạo nên khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với màu trắng tinh khôi, thơ mộng hoà quyện vào những ngôi nhà của người đồng bào dân tộc Dao tiền, những bông hoa Lê kết với nhau thành chùm, có sức sống từ 2 đến 3 tuần, và khi cả một khu rừng đồng loạt trổ bông trắng, các cánh hoa bung ra rực rỡ khiến không gian sáng bừng sức sống xen lẫn với lớp mây mờ ảo. Theo như chia sẻ của người dân bản địa, mục đích ban đầu trồng Lê là để thu hoạch lấy quả bán trang trải cuộc sống, tuy nhiên, cây Lê khi nở hoa lại rất đẹp, cánh hoa tuy mỏng nhưng rất bền và khi nở rộ đã phủ trắng những khu rừng trên những sườn đồi tạo nên khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà bất cứ ai khi chứng kiến cũng không thể rời đi.

Hoa Lê đối với người đồng bào dân tộc được xem là biểu tượng của sự may mắn và thường được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống để tỏ lòng biết ơn, hiếu kính với tổ tiên, ông bà cũng như trời đất. Hoa Lê có màu trắng thể hiện sự tinh khiết, may mắn nhưng cũng rất thanh cao, thuần khiết, họ tin rằng, mùa hoa Lê tháng 3 nở rộ sẽ báo hiệu 1 năm thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống an lành và no đủ nên với họ, hoa Lê có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hoá của người dân, mùa hoa nở, họ thường tổ chức các lễ hội, múa hát cùng những phong tục tập quán rất riêng biệt để đón chào 1 năm mới, 1 mùa xuân mới với những ước nguyện về cuộc sống tốt đẹp hơn đang chờ đón họ, những người dân của núi rừng linh thiêng.

Khi cái rét nàng bân tháng 3 dần dần kết thúc cũng là lúc chúng ta được chứng kiến những bông hoa Lê bung nở đón chào mùa xuân với những hy vọng mới về cuộc sống tốt đẹp hơn. Bên những cây Lê hoa nở trắng trời, những bộ trang phục người dân tộc Dao Tiền cùng với nụ cười luôn toả nắng thu hút mọi ánh nhìn đã tạo nên vẻ đẹp thơ mộng đầy quyến rũ như chính con người và mảnh đất nơi đây.

Tình yêu và nỗi nhớ trong rừng hoa Lê thơ mộng giữa đại ngàn

Hoa Lê nơi đây còn gắn với rất nhiều những câu chuyện dân gian kỳ bí của người dân tộc Dao, Mông, Tày và họ cho rằng, hoa Lê sẽ là biểu tượng của sự gắn kết giữa những bản làng, gia đình và là nơi sẽ phát sinh cũng như kết duyên của tình yêu đôi lứa. Vào mùa hoa nở, người dân địa phương sẽ tổ chức các lễ hội truyền thống để cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ nên họ sẽ tổ chức rất nhiều những hoạt động văn hoá truyền thống đã được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như hát dao duyên, múa xòe, ném còn và đặc biệt là lễ hội nhảy lửa, nét đặc chưng rất riêng của người dân và mang nhiều ý nghĩa của tâm linh núi rừng.

Cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch hàng năm sẽ là thời điểm hoa Lê nở rộ nhất, từng cành hoa, chen nối nhau tựa như những cây cầu màu trắng vắt vẻo giữa không trung, xen giữa những ngôi nhà, hoà quyện cùng mây trời như đưa ta lạc vào không gian của những câu chuyện cổ tích. Dưới gốc cây, rêu mọc xanh mướt giống như lạc về với thời kỳ xa xưa nơi đại thi hào, danh nhân văn hoá thế giới Nguyên Du đã nói “cỏ non xanh rợm chân trời; cành Lê trắng điểm một vài bông hoa”, chúng ta mới thấy hết vẻ đẹp tinh khôi của hoa Lê đối với cuộc sống đầy thi vị của người đồng bào dân tộc nơi đây.

Những bông hoa Lê trắng muốt, tinh khôi tượng trưng cho tình yêu mới chớm của những chàng trai, cô gái với sự tự nhiên, trong sáng của tình yêu lứa đôi, nó sẽ là biểu tượng của sự ban đầu đầy thú vị nhưng lại rất nhẹ nhàng, chân thật, và với người dân địa phương, họ cho rằng, nếu bạn tặng hoa Lê cho đối phương sẽ là lời bọc bạch tình cảm dễ thương, dễ gần nhưng lại rất nhẹ nhàng, chân thành nhất và là lời tỏ tình thay cho lời nói, do vậy, mùa hoa Lê nơi đây được lứa đôi xem như là mùa của tình yêu, mùa mà họ chờ đợi nhất trong năm khi tình yêu và nỗi nhớ sẽ kết lại trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ giữa đại ngàn.

2895f1db828e32d06b9f-1742463728.jpg
62aaf6e585b035ee6ca1-1742463728.jpg
5a81dbcfa89a18c4418b-1742463728.jpg

Vĩ thanh

Mọi vật trên đời đều có 1 tính, nước thì nhạt, muối thì mặt, nước thêm nước thì vẫn là nước, muối thêm muối vẫn là muối. Chua, ngọt, cay, nhạt, mặn, năm vị điều hoà cùng tồn tại song song hoà trộn tạo ra trăm ngàn vị khác nhau. Vật đã thế, sự việc cũng thế, con người càng thế và đối với người dân Hồng Thái, Na Hang họ cũng thế, họ tin rằng hoa Lê, loài hoa đầy ý nghĩa sẽ luôn tồn tại mãi trong cuộc sống của họ dù là thế hệ nào, là biểu tượng văn hoá truyền thống ẩn chứa rất nhiều điều thú vị trong cuộc sống cùng những phong tục tập quán đã ăn sâu vào trong tiềm thức của họ trên mảnh đất anh hùng nhưng đầy giản dị, giàu lòng vị tha, yêu thương và trân thành, nơi sẽ sẽ gắn kết tình yêu cùng nỗi nhớ.

Hải Sơn
ĐẶT LỊCH TƯ VẤN